Phòng ngừa và điều trị viêm âm đạo hiệu quả ở nữ giới

Viêm âm đạo một trong số những bệnh phụ khoa phổ biến nhất hiện nay. Bệnh này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây vô sinh hiếm muộn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của nữ giới. Vậy cách phòng ngừa và điều trị viêm âm đạo như thế nào, mời bạn tham khảo bài viết sau:

1. Viêm âm đạo là gì?

Viêm âm đạo hay còn được gọi là nhiễm trùng âm đạo là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại âm đạo nữ giới do sự xâm nhập của các tác nhân có hại như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây ra. Phụ nữ mắc viêm âm đạo thường xuất hiện cảm giác ngứa ngáy hoặc thậm chí là đau rát vùng kín. Tình trạng viêm nhiễm vùng kín thường được phân loại theo nguyên nhân gây bệnh

  • Nhiễm khuẩn âm đạo: hình thành do mất cân bằng môi trường vi khuẩn trong âm đạo dẫn đến sự phát triển quá mức của các loại vi khuẩn khác.
  • Nhiễm nấm: tác nhân gây bệnh thường do nấm Candida albicans.
  • Nhiễm trùng roi Trichomonas: do ký sinh trùng gây ra và thường lây truyền qua quan hệ tình dục.
     Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới

2. Phòng tránh bệnh viêm âm đạo ở nữ giới bằng cách nào?

Phụ nữ hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh viêm nhiễm phụ khoa nếu vệ sinh âm đạo đúng cách như sau:

2.1. Vệ sinh vùng kín

Dùng nước ấm để rửa vùng kín và lau bằng khăn mềm ít nhất 2-3 lần/ ngày, khăn mềm sẽ giúp làm giảm mồ hôi tích tụ và loại bỏ mùi khó chịu.  Tuyệt đối không sử dụng các dụng cụ thụt rửa, thuốc xịt âm đạo để vệ sinh bên trong âm đạo. Những sản phẩm này tưởng chừng sẽ giúp âm đạo khỏe mạnh và thơm tho, nhưng ngược lại do chứa các hóa chất độc hại nên chúng làm giảm nồng độ pH của âm đạo và gây khô rát, khó chịu.

2.2. Lưu ý vệ sinh vùng kín trong thời gian đặc biệt

Trong chu kỳ kinh nguyệt phụ nữ cần thay băng vệ sinh khoảng 3 – 4 giờ/lần, không nên để lâu hơn vì như vậy sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi, làm vùng kín có mùi và nhiễm khuẩn. Khi thay băng vệ sinh cần lưu ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ, lau khô, sau đó mới dùng băng mới. Trong thời kỳ mang thai hoặc hậu sản, chị em cần vệ sinh vùng kín theo hướng dẫn của bác sĩ, lựa chọn dung dịch vệ sinh chuyên dụng có chứa các thành phần thiên nhiên để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ kích ứng da gây nên tình trạng viêm nhiễm. 

 Phụ nữ cần lưu ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ

2.3. Sử dụng quần lót phù hợp

Phụ nữ không nên mặc đồ lót được làm từ chất liệu như ren, lụa, da, polyester… trong một thời gian dài. Những chất liệu này có thể gây kích ứng các mô mềm, làm các nấm men phát triển ở vùng kín dẫn đến mùi hôi. 

2.4. Khám phụ khoa định kỳ theo chỉ định của Bác sĩ

Nếu vùng kín có mùi hôi đi kèm với các dấu hiệu như ngứa rát, ra khí hư bất thường, phụ nữ cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Không nên có tâm lý mặc cảm, ngại ngùng và cố gắng tìm cách tự chữa trị tại nhà bởi vậy sẽ khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Một lời khuyên nữa là phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng để đảm bảo vùng kín luôn khỏe mạnh, thơm tho.

Khám phụ khoa định kỳ theo chỉ định của Bác sĩ
 Khám phụ khoa định kỳ theo chỉ định của Bác sĩ

3.  Chẩn đoán và điều trị viêm âm đạo ở nữ giới

3.1. Những kỹ thuật y tế được sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm âm đạo

Nếu người bệnh xuất hiện một số triệu chứng viêm âm đạo, đầu tiên bác sĩ sẽ thực hiện khám âm đạo để xác định tình trạng bệnh. Sau đó nếu cần bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm như:

  • Lấy mẫu xét nghiệm: Bác sĩ có thể lấy mẫu dịch tiết ở tử cung hoặc âm đạo để làm các xét nghiệm cần thiết, từ đó chẩn đoán xác định viêm âm đạo thuộc loại nào bằng cách soi tươi dịch âm đạo và cấy dịch âm đạo.
  • Thực hiện xét nghiệm pH: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra độ pH âm đạo bằng cách sử dụng giấy pH hoặc que thử pH. pH âm đạo tăng cao có thể cho thấy nhiễm vi khuẩn âm đạo hoặc trichomonas. Tuy nhiên, chỉ kiểm tra pH thì chưa thể đưa ra quyết định chính xác mà cần làm thêm một số xét nghiệm cần thiết khác.

3.2. Phương pháp được sử dụng để điều trị bệnh viêm âm đạo ở nữ giới

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh viêm âm đạo, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp:

  • Viêm âm đạo do vi khuẩn: Đối với loại viêm âm đạo này, bác sĩ thường có thể kê thuốc metronidazol hoặc clindamycin cho bệnh nhân.
  • Nhiễm nấm: Nhiễm nấm thường được điều trị bằng các loại thuốc kháng nấm hay viên đặt âm đạo như miconazole, clotrimazole, butoconazole hoặc tioconazole.
  • Nhiễm trùng roi trichomonas: Bác sĩ có thể kê toa viên nén metronidazole hoặc tinidazole.
  • Viêm âm đạo không do nhiễm trùng: Để điều trị loại viêm âm đạo này cần phải xác định rõ nguồn gốc của gây bệnh. Tác nhân gây bệnh có thể là các loại nước giặt, băng vệ sinh hoặc tampon vệ sinh. Một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh viêm nhiễm phụ khoa này như: cream cortisone, kháng histamin, hormone estrogen… tùy nguyên nhân gây bệnh.
Phương pháp được sử dụng để điều trị bệnh viêm âm đạo ở nữ giới
Viêm âm đạo cần được điều trị kịp thời và chính xác

Viêm âm đạo nếu không có phương pháp điều trị kịp thời có thể lan rộng vào tử cung, các cơ quan vùng chậu khác và gây ra những di chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản của nữ giới. Vì vậy để bảo vệ sức khỏe, phụ nữ cần trang bị cho mình kiến thức cần thiết để phòng ngừa và điều trị bệnh viêm nhiễm phụ khoa hiệu quả. NGUỒN THAM KHẢO: webmd.com, healthline.com, msdmanuals.com Xem thêm: Phòng ngừa và điều trị viêm âm đạo ở nữ giới Các bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới hiện nay Viêm âm đạo do nấm: Triệu chứng nào hay gặp nhất[:]

One thought on “Phòng ngừa và điều trị viêm âm đạo hiệu quả ở nữ giới

  1. Pingback: Nhiễm khuẩn âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *